Chiến tranh Đông Dương Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944–1954)

Đến năm 1950, Việt Minh đã có khá nhiều súng trường tự động, súng máy, bazooka, súng máy hạng nặng. Đại bác khi công đồn được thay bằng bộc phá và chiến thuật đào hào.[cần dẫn nguồn]

Điều đặc biệt là nhiều vũ khí trang bị cho Việt Minh đều lấy từ Pháp. Ví dụ, ngày 11-10 năm 1950, khi chiếm Lạng Sơn, Việt Minh lấy được vũ khí đủ trang bị cho một sư đoàn chính quy mạnh, báo cáo quân Pháp:[1] [2]

  • 13 Pháo
  • 120 Cối
  • 450 Xe ô tô
  • 3 Xe bọc thép
  • 240 Súng máy hạng nặng
  • 1.200 Trung liên
  • 1.200 Tiểu liên
  • 8.500 Súng trường
  • 12.500 viên đạn đại bác 105mm
  • 6.500 viên đạn đại bác 75mm
  • 17.000 viên đạn đại bác 3inch7 (94mm)
  • 7.000 viên đạn đại bác không giật
  • 5 triệu viên đạn súng bộ binh.
  • 600 tấn xăng
  • Rất nhiều thực phẩm, quần áo.

Trước đó một tuần, trong Chiến dịch Biên giới, Việt Minh đánh Cao Bằng, bắt và giết 4.800 Pháp (không kể bị thương), người Pháp bỏ lại trận địa toàn bộ vũ khí. Cứ như vậy, sau mỗi trận đánh Việt Minh lại có điều kiện mở rộng quân số.[cần dẫn nguồn]

Du kích còn có nguồn vũ khí mua, đổi, binh vận... lấy được từ quân Pháp.

Vũ khí tự sản xuất của Việt Minh thường chỉ chú trọng những loại Pháp không có, như súng chống tăng, đại bác không giật, mìn, thủy lôi. Việt Minh cũng lập xưởng lớn chế tạo những đồ dễ làm, như nhồi lại đạn, làm lựu đạn, hạt nổ. Vật liệu nổ mạnh chủ yếu lấy từ vũ khí thu được và bom mìn không nổ. Việt Minh cũng có những xưởng hóa chất nấu axít sulfuric, axít nitric để làm thuốc nổ.

Quần áo Việt Minh tự may, nhưng phần lớn là sửa chữa từ quần áo Pháp. (Khi bắt được tên Pháp nào, người lính lập công tự thưởng luôn đôi giày quý giá, theo phong tục chung. Đến hết giai đoạn phòng ngự, giày còn quý hiếm đến mức có viên sĩ quan khư khư đeo giày lên cổ, chỉ xỏ vào chân lúc vượt hàng rào bãi chông)

Việt Minh có kế hoạch nghiên cứu sử dụng máy bay, nhưng không thành công. Việt Minh cử người đi học điện tử từ năm 1947 ở nước ngoài. Một số đài phát thanh Việt Minh vẫn được các kỹ sư duy trì hoạt động trong chiến khu. Thậm chí để chống phát hiện, họ tổ chức một đài phát thanh trên thuyền che kín.

Việt Minh sử dụng pháo binh ngay ngày đầu chiến tranh. Pháo đài Láng bắn khá chính xác. Trong chiến dịch Việt Bắc, tàu chiến Pháp trên sông Lô bị bắn chìm bằng pháo bắn thẳng khá nhiều. Nhưng chỉ đến năm 1949 Việt Minh mới có thể di chuyển những khẩu sơn pháo 75mm phục vụ đánh đồn. Đến cuối chiến tranh, Việt Minh đã có số lượng khá lớn cối pháo hạng nặng. Như cối 81mm, 120mm, lựu pháo 105mm và 155mm.[cần dẫn nguồn]

Sau năm 1950 thì Việt Minh có hậu cần đầy đủ. Tuy vậy, chỉ một số súng như cối, pháo phòng không 37mm, súng chống tăng P21 Tiệp Khắc, pháo phản lực được trang bị do những khác nhau về tiêu chuẩn súng pháo (Khối xã hội chủ nghĩa dùng tiêu chuẩn NgaLiên Xô). Trung Quốc cũng viện trợ cho Việt Minh những súng pháo đạn dược lấy được ở Triều Tiên. Tuy vậy, phần lớn vũ khí của Việt Minh vẫn từ Pháp. [cần dẫn nguồn]

Cuối chiến tranh, Việt Minh đã thu được xe tăng máy bay, nhưng những thứ đó sau này không cần đến nữa.

Để hiểu được mức độ vũ khí Pháp mà Việt Minh lấy dùng, có thể tham khảo số liệu sau. Đây là con số tổng kết, chuẩn bị cho việc trang bị lại sau chiến tranh. Số liệu này Tổng cục Cung cấp lập ngày 2 tháng 7-1954. Số liệu này cũng không bao gồm các đơn vị mới sử dụng vũ khí tiêu chuẩn Liên Xô, như các đơn vị pháo phản lực, phòng không, cối lớn... đã tham gia đánh Điện Biên Phủ. Số liệu này cũng không bao gồm một ít súng K-50 đã được nhập vào, súng này Liên Xô sản xuất ở Trung Quốc. Số lượng này đủ trang bị cho 14 vạn quân mạnh.[cần dẫn nguồn]

  • 105.526 khẩu súng trường (trong đó 57% còn sử dụng được) gồm các loại Remington, M1 và M1A1 Carbine, MAS-36 *7,62mm. Mosin-Nagant M91-30 và M38 Carbine (Nga), Arisaka kiểu 38 và 99 (Nhật), Berthier-Mousqueton Modèle 1916 (Pháp).
  • 44.836 khẩu tiểu liên gồm Thompson M1928 (Mỹ), Sten Mk.2 (Anh), Tulle (Pháp).
  • 6.059 khẩu trung liên, đại liên (có 72% sử dụng được)
  • 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm.
  • 3 tiểu đoàn sơn pháo 75mm.
  • 7 đại đội cối 82mm và 120mm.[cần dẫn nguồn]

Trong đó có một ít súng Nga hoặc Liên Xô do quân Đồng Minh đem đến đầu chiến tranh, một ít súng Nhật cũng lấy được đầu chiến tranh. Để so sánh, sau trận Điện Biên Phủ, Việt Minh chỉ có 3 trung đoàn không đầy đủ pháo viện trợ.